Tiềm năng phát triển điện gió

Bên cạnh nguồn năng lượng từ mặt trời thì năng lượng gió cũng được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam bắt kịp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu điện trong cả ngắn hạn và dài hạn. Tại Việt Nam, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió.

Trong đó, việc phát triển các dự án điện gió được thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện lực trong đó xác định tiềm năng và khu vực phát triển điện gió cho từng địa bàn. Các dự án điện gió chưa có trong quy hoạch phải được thực hiện thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực.

Hiện nay tất cả các nước trên thế giới đang đối mặt với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, với việc thực hiện mục tiêu của Paris COP 21 là đảm bảo sự tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu từ nay đến năm 2100 ở mức dưới 2°C, bằng biện pháp giảm sản xuất và sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí), nguyên nhân phát ra 2/3 lượng khí nhà kính (CO2) mà thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như: gió, mặt trời, sinh khối…

Với lợi thế đường bờ biển trải dài, cùng địa hình thuận lợi, việc xây dựng các trạm điện bằng sức gió là một giải pháp có thể giúp nâng cao sản lượng điện của Việt Nam trong những năm tới.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió với trên 3.000 km2 đường bờ biển. Theo lộ trình, Việt Nam sẽ phát triển 800 MW điện gió vào năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng nhu cầu điện. Mục tiêu là phát triển 2.000 MW điện gió vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030.

Nguồn điện gió sử dụng luồng không khí (gió) đập vào cánh tua bin làm quay máy phát điện. Nguồn điện gió cũng là nguồn điện xoay chiều như thủy điện, nhiệt điện.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong 4 nước khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s, ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512 GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m 7 - 8 m/giây), có thể tạo ra hơn 110 GW.

Tiềm năng gió của Việt Nam ở độ cao 65m:

Tốc độ gió
trung bình

Thấp

< 6m/s

Trung bình

6-7m/s

Tương đối cao

7-8m/s

Cao

8-9m/s

Rất cao

> 9m/s

Diện tích (km2) 197.242 100.367 25.679 2.178 111
Tỷ lệ diện tích (%) 60,6 30,8 7,9 0,7 >0
Tiềm năng (MW) - 401.444 102.716 8.748 482

 

Theo PGS. TS. Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học Năng lượng, giá điện gió trên thế giới những năm gần đây đã giảm nhiều, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sử dụng các nguồn năng lượng này. Ở Việt Nam, giá điện gió và điện mặt trời cũng đang giảm nhanh, không còn đắt như những năm trước và hoạt động phát triển nguồn điện này cũng bắt đầu khởi sắc. Chính phủ cũng đang tạo các điều kiện để đẩy nhanh việc phát triển nguồn năng lượng sạch này.

Năng lượng gió là nguồn năng lượng sạch và vô tận. Đây là điều tiên quyết đem lại lợi thế của năng lượng gió so với các nguồn năng lượng hóa thạch vốn có hạn. Với việc công nghệ ngày càng tiến bộ và sử dụng năng lượng gió ngày càng phổ biến hơn thì giá thành của năng lượng gió ngày càng rẻ. 

Tại Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) đã triển khai đưa vào hoạt động thương mại ba trụ điện gió đầu tiên của dự án điện gió Đầm Nại tỉnh Ninh Thuận. Điện gió Đầm Nại dự kiến hàng năm sẽ cung cấp 110 triệu kwh điện cho lưới điện quốc gia.

Đây là dự án điện gió đầu tiên đi vào hoạt động tại Ninh Thuận. Dự án do liên doanh nhà thầu Công ty cổ phần TSV (TP.HCM) và Công ty The Blue Circle (Singapore) xây dựng trên tổng diện tích 9,4 ha, có công suất 40 MW, với tổng mức đầu tư 80 triệu USD.

Theo Quy định triển khai hiện hành về phát triển các dự án điện gió trên địa bàn Thành phố Hà Nội của Sở Công Thương, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN HANOI) sẽ cập nhật, nghiên cứu, hướng dẫn các Chủ đầu tư dự án điện gió và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương.

Thông tư 02/2019/TT-BCT cũng nêu việc áp dụng giá điện gió, hợp đồng mua bán điện mẫu và trình tự, thủ tục ký kết hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió.

Bộ Công Thương giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư; tổ chức đánh giá tiềm năng điện gió lý thuyết, tiềm năng điện gió kinh tế trên phạm vi cả nước.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/02/2019.

Chi tiết Thông tư có trong file đính kèm.